Tiếng Việt
Chọn ngôn ngữ
Tiếng Việt
English
Vì mới xuất hiện vài thập niên gần đây nên sức mạnh mềm được coi là khái niệm khoa học mới. Nhưng với Ấn Độ, một trong bốn nền văn minh cổ của nhân loại, có lịch sử dài lâu đến hơn 5000 năm; một quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân, sử dụng hàng trăm ngôn ngữ khác nhau, ưa thích đàm đạo triết học và hiện là một quốc gia mạnh về nhiều mặt, nên sức mạnh mềm Ấn Độ, trên thực tế, lại là một thực thể văn hóa - xã hội đã hiện hữu từ rất sớm, khó nơi đâu trên thế giới có thể so sánh. Viết về sức mạnh mềm Ấn Độ, do vậy, là thách thức với tất cả những ai có ý định nghiên cứu về chủ đề này, kể cả những người đã hiểu biết sâu về Ấn Độ. Trên tay bạn đọc là cuốn chuyên khảo “Sức mạnh mềm Ấn Độ: gợi mở đối với Việt Nam” của tác giả PGS.TS. Lê Văn Toan, nhà nghiên cứu hàng đầu và cũng là Giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong xã hội hiện đại, đặc biệt kể từ khi hội nhập kinh tế quốc tế trở thành xu thế không thể đảo ngược và ngày càng thể hiện tầm quan trọng của nó, quan hệ thương mại trở thành bệ đỡ cho quan hệ giữa các quốc gia, liên quốc gia, thậm chí là con bài chính trị và cao hơn thế, là vũ khí để xử lý bất đồng giữa các đối tác - đối thủ, như trường hợp Trung Quốc và Mỹ trong những năm gần đây. Cuộc chiến thương mại giữa nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế của hai nước, mà tác động tới hoạt động thương mại của nhiều quốc gia, nền kinh tế của nhiều nước bị ảnh hưởng.
Để phát huy lợi thế của hàng hóa và nền kinh tế nói chung, gia tăng xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế, các nước và đối tác thương mại đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết bắt buộc và ưu đãi dành cho nhau, cùng nhau phát triển với trách nhiệm bảo vệ sự an toàn và bền vững của tự nhiên, bảo vệ sức khỏe người dân và không quên phúc lợi dành cho động vật.
Việt Nam với thành tựu gần bốn mươi năm Đổi mới đang chuyển mình mạnh mẽ, nền kinh tế có độ mở tương đối lớn, hướng tới xuất khẩu để gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, hiệu quả quản trị doanh nghiệp và xã hội nói chung. Góp phần vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của Việt Nam, không thể không nói đến vai trò quan trọng của các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết và tham gia với tư cách thành viên của ASEAN. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 FTA và đang đàm phán ba hiệp định với ba đối tác. Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều FTA, trong đó đã ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA EU - Việt Nam (EVFTA), FTA Anh - Việt Nam (UKVFTA) và gần đây nhất là RCEP. Các hiệp định này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế và mạng lưới sản xuất, mà còn giúp Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn lao động đồng thời hiện đại hóa luật lao động và hệ thống quan hệ lao động, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tạo động lực lớn hơn cho cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách về thể chế kinh tế.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen được ký kết vào tối 29/12/2020. Nội dung Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen. UKVFTA là một FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và mức độ tự do hóa mạnh. UKVFTA có phạm vi cam kết rộng, bao trùm các khía cạnh thương mại đầu tư truyền thống (như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…) và mới (như mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, chính sách cạnh tranh…).
Để tận dụng những ưu đãi mà UKVFTA mang lại, đặc biệt là những cam kết về thuế, chúng tôi biên soạn tài liệu Tận dụng cam kết thuế trong UKVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, giới thiệu thông tin cơ bản và cam kết thuế trong Hiệp định, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường giàu tiềm năng với 68 triệu dân, nhưng cũng rất khó tính này.
Hy vọng, tài liệu sẽ góp phần cùng cộng đồng doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam chinh phục thành công thị trường Vương quốc Anh và Bắc Ailen, mang lại sự thịnh vượng như mong đợi của Chính phủ hai nước khi ký kết Hiệp định.
Nội dung cuốn sách này nhằm mục tiêu cung cấp những bằng chứng khoa học và thực tiễn về các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của DNNVV do phụ nữ làm chủ nói chung và trong một số ngành xuất khẩu tiềm năng nói riêng, phát hiện ra các rào cản và đề xuất biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ. Qua đó, tác phẩm này cũng góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ, tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đưa vấn đề bình đẳng giới vào chương trình quốc gia của Việt Nam theo các nội dung hoạt động của UN Women.
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Các mục tiêu cơ bản của Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2030 bao gồm: phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, (2) phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, và (3) phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã thực hiện một cuốn sách chuyên khảo có tựa đề: Kinh tế Việt Nam trên con đường chuyển đổi số‖ nhằm kịp thời thể hiện trách nhiệm, vai trò tư vấn phản biện chính sách của UEH để đóng góp vào các giải pháp phát triển kinh tế số, chuyển đổi số của Việt Nam. Cuốn sách chuyên khảo Kinh tế Việt Nam trên con đường chuyển đổi số‖ bao gồm 41 bài viết từ các nhà khoa học của UEH. Các bài viết đã đánh giá thực trạng chuyển đổi số ở 03 nhóm lĩnh vực (1) Kinh tế - Quản lý nhà nước - Luật, (2) Quản trị - Kinh doanh - Thương mại - Marketing, và (3) Tài chính - Ngân hàng - Kế toán. Nội dung bao gồm phân tích đánh giá thực trạng, khả năng sử dụng nguồn lực, các ứng dụng chuyển đổi số, khoa học kỹ thuật để số hóa toàn bộ tài sản thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, sắp xếp lại các hoạt động để chuyển đổi từ môi trường hoạt động truyền thống sang môi trường số, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể và khả thi để thực hiện chuyển đổi số trong các ngành kinh tế nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung. Các bài viết cũng đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm phát triển chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, bao gồm các vấn đề về dịch vụ công trực tuyến, nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của cơ quan nhà nước, hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước thông qua môi trường số, ….
Cuốn sách "Các Bài Tập Tình Huống về Kế Toán Doanh Nghiệp" cung cấp cho người học một hệ thống bài tập sát với thực tế, phản ánh những thách thức thường gặp trong lĩnh vực kế toán doanh nghiệp.
Mỗi tình huống được xây dựng dựa trên các sự kiện cụ thể tại doanh nghiệp, đi kèm với đầy đủ thông tin về bối cảnh, nguyên nhân phát sinh và các vấn đề cần giải quyết. Người học sẽ có cơ hội phân tích dữ liệu thực tế, đánh giá tác động của các quyết định kế toán và đề xuất giải pháp phù hợp. Điểm đặc biệt của cuốn sách này là sự đa dạng về nội dung và cấp độ tình huống. Các bài tập không chỉ tập trung vào kế toán tài chính và kế toán quản trị, mà còn mở rộng đến các loại hình doanh nghiệp khác nhau, từ doanh nghiệp sản xuất, thương mại đến dịch vụ. Điều này giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện về hoạt động kế toán trong nhiều lĩnh vực, đồng thời khuyến khích tư duy sáng tạo để tìm ra nhiều giải pháp khác nhau cho cùng một vấn đề.
Cuốn sách là tài liệu hữu ích cho sinh viên, giảng viên cũng như những ai quan tâm đến lĩnh vực kế toán doanh nghiệp. Thông qua việc thực hành các tình huống thực tế, người học không chỉ rèn luyện kỹ năng chuyên môn mà còn phát triển tư duy quản trị, sẵn sàng thích ứng với những thách thức trong môi trường kinh doanh hiện đại.
Mục tiêu của việc giảng dạy môn Kinh tế học là nhằm giúp sinh viên tư duy như một nhà kinh tế. Điều này đòi hỏi không chỉ bao gồm các kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề mà còn cả kỹ năng sáng tạo, qua đó giúp xác định cách thức đặt câu hỏi, công cụ và những nguyên lý áp dụng vào từng vấn đề cụ thể, thông tin và dữ liệu phù hợp với những vấn đề đó, cũng như cách thức hiểu hay giải thích các kết quả ngoài dự kiến.
Nhằm thực hiện đổi mới công tác giảng dạy và học tập, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội chú trọng sử dụng phương pháp giảng dạy tình huống nhằm tăng cường tính thực tiễn của các học phần trong chương trình đào tạo.
Phương pháp giảng dạy tình huống có ba thành phần: (1) Nội dung tình huống; (2) Chuẩn bị của sinh viên; và (3) Thảo luận trên lớp. Phương pháp giảng dạy tình huống là giảng theo cách thảo luận, có sự chuẩn bị của sinh viên và sự tranh luận trên lớp để tìm ra giải pháp cho vấn đề trong tình huống đặt ra. Để thực hiện được phương pháp này thì thành phần Nội dung tình huống phải được thiết kế và đây được gọi là bài tập tình huống. Việc biên soạn cuốn sách Nghiên cứu các tình huống trong Kinh tế học bao gồm các tình huống được xây dựng bài bản, có hệ thống theo nội dung kiến thức của chương trình, có mục đích rõ ràng và đặc biệt có khả năng giúp sinh viên đạt được những yêu cầu kỹ năng nhận thức là rất cần thiết và cấp thiết.
Cuốn sách này có mục tiêu cung cấp ngữ cảnh cho phương pháp giảng dạy tình huống của các học phần kinh tế học, bao gồm Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô, nhằm đóng góp vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gi Hà Nội. Cuốn sách được sử dụng làm phục vụ làm tài liệu đào tạo phục vụ giảng dạy của Trường Đại học Kinh tế và các trường thành viên khác của Đại học Quốc gia Hà Nội. Sản phẩm này cũng có thể cung cấp tài liệu tham khảo cho giảng viên, sinh viên, người nghiên cứu về kinh tế học và các độc giả quan tâm.
Nội dung cuốn sách đi sâu vào việc đánh giá bằng phương pháp định lượng tác động của ứng dụng công nghệ số như phần mềm, tổ chức ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp, kỹ năng công nghệ số của người lao động, các công nghệ số hiện đại, bảo mật và an toàn thông tin,... đến năng suất lao động của doanh nghiệp; đồng thời đưa ra các đánh giá tác động của kinh tế số tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành tại Việt Nam; từ đó đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số trong thời gian tới cho Việt Nam.
Cụ thể cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1. Tác động của công nghệ số tới năng suất lao động doanh nghiệp Việt Nam
Phần 2. Tác động của kinh tế số tới dịch chuyển cơ cấu kinh tế và năng suất lao động tại Việt Nam
Phần 3. Một số đề xuất về chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới
Cuốn sách sẽ hữu ích với các doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ số và thực hiện chuyển đổi số quá trình kinh doanh; các nhà quản lý tại các cơ quan chính phủ, bộ, ban, ngành đang thực thi chương trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số tại trung ương và địa phương; các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và các độc giả quan tâm tới quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với các hoạt động và mô hình thương mại điện tử, cuốn sách Thương mại điện tử căn bản được biên soạn với mong muốn mang đến cho bạn đọc những kiến thức và kỹ năng cơ bản về triển khai các hoạt động thương mại sử dụng thiết bị điện tử và hệ thống các mạng viễn thông. Nội dung cuốn sách giúp người học nắm được những kiến thức từ nền tảng cơ sở hạ tầng để triển khai thương mại điện tử cho tới những kiến thức toàn diện về các mặt hoạt động của thương mại điện tử như: giao dịch hợp đồng điện tử, chữ ký số và chứng thực số, thanh toán điện tử, marketing điện tử, các vấn đề về an toàn thông tin và các khía cạnh về luật pháp, đạo đức, xã hội trong thương mại điện tử.
Giáo trình “Pháp lý đại cương” được biên soạn để phục vụ cho chương trình đào tạo đại học đang được triển khai ở Trường Đại học Ngoại thương. Đối tượng nghiên cứu của môn học “Pháp lý đại cương” là những vấn đề cơ bản nhất về Nhà nước và pháp luật; về pháp luật trong nước (pháp luật dân sự) và về pháp luật quốc tế (công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế).
Giáo trình gồm 4 chương. Nội dung các chương liên quan tới những kiến thức chung về Nhà nước và pháp luật, về bản chất và vai trò của pháp luật, về pháp luật xã hội chủ nghĩa, về pháp luật dân sự, về công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế. Giáo trình cũng đề cập tới những nguyên lý chung về ký kết và thực hiện hợp đồng dân sự, về thời hiệu tố tụng, về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và áp dụng pháp luật nước ngoài trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài...
Giáo trình “Pháp lý đại cương” đề cập tới những vấn đề pháp lý chủ yếu nhất liên quan tới các môn học ở giai đoạn chuyên ngành. Những kiến thức có được từ môn học pháp lý đại cương góp phần làm phong phú thêm khối kiến thức về các môn học cơ bản, giúp cho sinh viên có hành trang cơ bản để tiến tới nghiên cứu các môn học “Pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại” hoặc môn học “Pháp luật thương mại quốc tế, môn học “Pháp luật doanh nghiệp”... ở giai đoạn giáo dục chuyên ngành. Đó là những vấn đề pháp lý chủ yếu có liên quan tới các hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung và hoạt động kinh doanh quốc tế nói riêng. Những vấn đề như vậy không thể chứa đựng hết trong khuôn khổ của một giáo trình, vì vậy giáo trình còn tồn tại những sai sót là khó tránh khỏi. Nhóm tác giả rất mong nhận được sự nhận xét, góp ý của bạn đọc để giáo trình được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Nội dung sách sách chuyên khảo được chia thành bốn phần, với 10 chương. Cụ thể:
Phần 1: Tổng quan về hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (chương 1 và chương 2);
Phần 2: Kinh nghiệm quốc tế về tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (chương 3 đến chương 5);
Phần 3: Một số vấn đề pháp lý về việc tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam (chương 6 đến chương 8);
Phần 4: Định hướng và một số giải pháp tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (chương 9 và chương 10).
Sách chuyên khảo có thể được sử dụng làm tài liệu nghiên cứu và học tập cho sinh viên, học viên các chương trình đào tạo cử nhân và sau đại học nhiều chuyên ngành của Trường Đại học Ngoại Thương (như chương trình cử nhân Luật Thương mại quốc tế; chương trình cử nhân Thương mại quốc tế; chương trình cử nhân Kinh tế đối ngoại; chương trình cử nhân Kinh tế quốc tế; chương trình thạc sỹ Luật kinh tế; chương trình thạc sỹ Chính sách và Luật thương mại quốc tế; chương trình thạc sỹ Kinh doanh – Thương mại…). Đặc biệt, cuốn sách ra đời sẽ giúp ích rất nhiều cho các học viên cao học chương trình thạc sỹ Luật Kinh tế khi học tập, nghiên cứu môn học Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngoài ra, cuốn sách cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các môn học về thương mại quốc tế, luật thương mại quốc tế… của các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về kinh tế và luật của Việt Nam.
Sách chuyên khảo này được hình thành từ những nghiên cứu chuyên sâu của GS. TS. Nguyễn Thị Mơ (Viện Chính sách công và Pháp luật, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương); PGS. TS. Trần Thị Thùy Dương (Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam); PGS. TS. Doãn Hồng Nhung (Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội); TS. Hà Công Anh Bảo (Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Thương); TS. Vũ Kim Ngân (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Thương); ThS. Phùng Thị Yến (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Thương) và ThS. Phùng Thị Phương (Giảng viên Khoa Kiến thức cơ bản, Trường Đại học Thể dục thể thao). Xin chân thành cảm ơn các tác giả đã dành nhiều tâm huyết, thời gian, công sức để hoàn thành các phần viết với những phân tích, nhận định giàu tính lý luận, có tính thực tiễn và có giá trị tham khảo cao.