Tiếng Việt
Chọn ngôn ngữ
Tiếng Việt
English
Nhằm khuyến khích toàn dân nâng cao nhận thức và đưa mục tiêu phát triển chuyển đổi số vào cuộc sống, theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, được sự đồng thuận của tác giả David L Rodgers, Trường Doanh nhân PACE đã phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tổ chức xuất bản cuốn sách “Tóm lược Chuyển đổi số - Chiến lược & Lộ trình” nhằm cung cấp một phiên bản tinh gọn từ 02 cuốn sách giá trị trên, phù hợp cho cả hai đối tượng độc giả: những người quan tâm đến chuyển đổi số ở tầm chiến lược và những người thực thi chuyển đổi số.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc những nhận thức về hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng với những thách thức thời đại đối với lợi ích quốc gia, các cuộc khủng bố và tấn công mạng; một số quy định của pháp luật về bảo vệ hệ thống thông tin trọng yếu của một số quốc gia tiêu biểu về không gian mạng và chiến tranh không gian mạng; về bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia Việt Nam; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã kết hợp cùng các chuyên gia về an toàn thông tin xuất bản cuốn sách “Hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia - Thách thức toàn cầu và giải pháp”.
Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nội dung sách cung cấp những kiến thức cơ bản về IoT như: kiến trúc IoT, IoT công nghiệp và công nghiệp 4.0, IoT tổ ong và rất nhiều các lĩnh vực khác nhau của IoT, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “IoT (Internet vạn vật) - Kiến trúc IoT, IoT công nghiệp và công nghiệp 4.0, IoT tổ ong” do TS. Nguyễn Phạm Anh Dũng (nguyên Trưởng Bộ môn Vô tuyến - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) biên soạn.
Nội dung của cuốn sách gồm 6 chương:
Chương 1. Tổng quan về IoT
Chương 2. Kiến trúc mạng và ngăn xếp giao thức Internet
Chương 3. Kiến trúc và các giao thức IoT
Chương 4. Điện toán đám mây và sương mù cho IoT
Chương 5. IoT công nghiệp và công nghiệp 4.0
Chương 6. IoT trong các hệ thống 4G LTE và 5G
Hy vọng, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên các trường đại học, các chuyên gia, kỹ sư và bạn đọc quan tâm đến khái niệm, công nghệ và các ứng dụng của IoT.
Đô thị thông minh là xu hướng ứng dụng sáng tạo các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số mới nhất nhằm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của đô thị và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Muốn đạt được các mục tiêu đề ra theo Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương cần có sự chuẩn bị chu đáo cả về mức độ sẵn sàng, có quan điểm đúng đắn về đô thị thông minh cũng như đảm bảo các yêu cầu về mặt tiêu chuẩn, kỹ thuật, từ đó có lộ trình phù hợp thì mới có thể xây dựng thành công đô thị thông minh. Cuốn sách "Đô thị thông minh - Đô thị của tương lai" được biên soạn với mục đích giới thiệu tổng quan về đô thị thông minh, cấu trúc và thành phần, xu hướng và thách thức mà đô thị thông minh đang đối mặt.
"IPv6 toàn tập - Làm chủ giao thức thế hệ mới" là tài liệu hữu ích cho sinh viên, kỹ sư, quản trị hệ thống và những người đang chuẩn bị cho tương lại số. Cuốn sách không chỉ đi từ căn bản đến nâng cao mà còn tích hợp ví dụ thực tế, bài tập và công cụ hỗ trợ, giúp triển khai IPv6 hiệu quả, tiết kiệm và an toàn.
Đây cũng là lời tri ân đến cộng đồng công nghệ Việt Nam - những người đang kiến tạo tương lai số cho đất nước/ Hành trình từ IPv4 sáng IPv6 không chỉ là đổi mới kỹ thuật, mà là cuộc cách mạng xây dựng nền tảng Internet sẵn sàng cho IoT, 5G, AI và các công nghệ tương lai.
Chuyển đổi số là câu chuyện mới đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia với những mức độ và cách thức khác nhau. Ở nước ta, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã nhanh chóng lan tỏa trên cả nước. “Chuyển đổi số” đã thành một từ được nói đến hàng ngày trên truyền thông. Cuộc sống của người dân cũng đang dần gắn nhiều hơn với môi trường thực-số. Nhiều doanh nghiệp đang tích cực tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số. Hầu hết các tỉnh thành và bộ ngành đã công bố đề án chuyển đổi số. Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã được thành lập và hoạt động để giúp Chính phủ điều hành công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Nhận thức về chuyển đổi số liên quan đến hai vấn đề chính: “chuyển đổi số là gì và vì sao phải làm?” và “làm chuyển đổi số thế nào?”. Trong khi vấn đề thứ nhất được nói đến nhiều thời gian qua, những câu hỏi của vấn đề thứ hai như “cần làm gì để chuyển đổi số?”, “phải bắt đầu từ đâu?”, “ai làm chuyển đổi số?”, “thành bại của chuyển đổi số vì sao?”, “tổ chức việc thực hiện chuyển đổi số thế nào?”… vẫn đang rất cần được trả lời và làm rõ.
Hai năm trước chúng tôi viết cuốn sách “Hỏi đáp về chuyển đổi số” với 200 câu hỏi và trả lời để chia sẻ nhận thức ban đầu của mình về chuyển đổi số là gì. Mong muốn tìm câu trả lời về làm chuyển đổi số thế nào dẫn chúng tôi đến những thách thức mới. Những cuốn sách đã xuất bản trên thế giới phần lớn mô tả các hoạt động cụ thể về chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh của các nước phát triển và ít về phương pháp làm chuyển đổi số. Gần hai năm qua khi tìm hiểu, trao đổi, trải nghiệm với nhận thức dần rõ hơn, chúng tôi đề xuất phương pháp luận ST-235 về làm chuyển đối số, và viết cuốn sách này để chia sẻ với cộng đồng.
Phương pháp luận ST-235 có cốt lõi là tư duy hệ thống được mô tả với hai phần. Phần một (ST) xác định mô hình hệ sinh thái thực-số của các tổ chức với tám hợp phần chia thành các nhóm về hoạt động chính (sản phẩm-dịch vụ, quy trình vận hành, quản trị-quản lý), về nhân tố thành bại (con người, thể chế, công nghệ), về dữ liệu và kết nối, và về an toàn an ninh hệ thống. Chuyển đổi số của một tổ chức về bản chất là xây dựng hệ sinh thái thực-số của mình từ hệ sinh thái hiện tại, và việc này được thực hiện theo phương thức mô tả ở phần hai (235) của ST-235, với 2 nguyên lý, 3 cặp nguyên tắc, và 5 nội dung cốt lõi cần làm.
Hai nguyên lý của ST-235 là tư tưởng chủ đạo và dẫn dắt toàn bộ quá trình chuyển đổi số, xác định rằng chuyển đổi số là quá trình tự thay đổi một cách hệ thống và chuyển đổi số là quá trình liên tục đổi mới sáng tạo với dữ liệu và kết nối. Ba cặp nguyên tắc của ST-235 xác định những điều cần tuân theo khi thực hiện chuyển đổi số, gồm tổng thể và toàn diện, đồng bộ và đột phá, chính chủ và lãnh đạo. Năm vấn đề cốt lõi mỗi tổ chức cần thực hiện khi chuyển đổi số là con người, thể chế, công nghệ, lộ trình, và quản trị thực thi.
Cuốn sách được chia thành sáu chương. Chương Một tóm tắt những khái niệm và vấn đề cơ bản của chuyển đổi số. Chương Hai giới thiệu phương pháp luận ST-235. Bốn chương tiếp theo trình bày về làm chuyển đổi số quốc gia, các lĩnh vực kinh tế-xã hội, các địa phương và doanh nghiệp nhìn theo phương pháp luận ST-235.
Chúng tôi chân thành bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Nhóm Thinktank VINASA vì những điều được chia sẻ, được học tập từ các thảo luận về chuyển đổi số vào các sáng thứ bảy hàng tuần. Chúng tôi chân thành cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp và gia đình với những động viên và khuyến khích hoàn thành cuốn sách; cảm ơn các tỉnh thành, các tập đoàn, các doanh nghiệp, tổ chức, trường học, các đơn vị tổ chức tập huấn chuyển đổi số… đã cho chúng tôi cơ hội đến trao đổi, giới thiệu ST-235 và nhận được nhiều câu hỏi thú vị; cảm ơn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tổ chức GIZ và 11 trường dạy nghề về hoạt động chuyển đổi số chúng tôi được tham gia trong gần hai năm qua; cảm ơn Cục Tin học hóa (hiện nay là Cục Chuyển đổi số quốc gia), Bộ Thông tin và Truyền thông; cảm ơn Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã hợp tác với chúng tôi làm cuốn sách này.